8 cánh đồng mẫu lớn tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trong vụ xuân đều đạt kết quả tốt hơn hẳn các giống đối chứng trên cả 3 tiêu chí: Năng suất cao, khá sạch bệnh; chất lượng gạo ngon......
Nhìn những cánh đồng lúa chín rực, ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) phấn khởi nói, vụ xuân năm nay huyện tiếp tục đầu tư kinh phí để triển khai 8 cánh đồng mẫu (CĐM) bằng các giống lúa chất lượng cao SV181, BT09, P6 và TBR225 (quy mô từ 10 - 20ha) tại 8 xã trong huyện.
Đây là 4 loại giống lúa chất lượng cao mới được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức và tạm thời (cho phép SX thử) để bà con được “mục sở thị”, so sánh, đánh giá lại các ưu thế của từng giống, từ đó tạo sự lựa chọn cho họ trước khi quyết định đưa ra diện rộng tại địa phương.
Điều đáng mừng là 100% CĐM trong vụ xuân đều đạt kết quả tốt hơn hẳn các giống đối chứng trên cả 3 tiêu chí: Năng suất cao, khá sạch bệnh; chất lượng gạo ngon...
Ông Lê Viết Hùng, Trạm trưởng Trạm BVTV và giống cây trồng huyện Hưng Nguyên cho biết, vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi. Đầu vụ bị rét đậm, rét hại ở mức kỷ lục (6,5 - 8 độ C) và sương muối nặng khiến mạ và diện tích lúa gieo thẳng chết hàng loạt. Sau đó tổng số giờ nắng và cường độ sáng từ tháng 2 - 3 thấp khiến thời gian sinh trưởng của các giống lúa đều kéo dài từ 10 - 12 ngày. Vào tháng 3 và nửa đầu tháng 4 khi lúa cần nước dưỡng lại bị thiếu hụt... Thế nhưng các trà lúa chát lượng cao trên CĐM đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và đạt năng suất cao.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội thảo đầu bờ thì tại các CĐM thuộc 2 xã Hưng Đạo và Hưng Yên Nam được gieo giống lúa SV181 (do TCty Nông nghiệp Quảng Bình cung ứng) được đánh giá là giống tốt vì đẻ nhánh khỏe, chống đổ khá, có khả năng kháng các loại sâu bệnh mức trung bình.
Các đại biểu tham dự hội thảo đầu bờ tại Hưng Nguyên đều thích thú khi thấy giống lúa SV181, ngoài khả năng thích ứng rộng với nhiều chân đất khác nhau, có thời gian sinh trưởng từ 120 - 125 ngày và năng suất thực thu trên dưới 7,2 tấn/ha, SV181 là giống lúa cho hạt gạo dài, trắng, cơm ăn ngon và dẻo nên sẽ dễ bán và được giá cao.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó TGĐ TCty Nông nghiệp Quảng Bình khẳng định, SV181 do đơn vị này cung ứng là một loại giống ngắn ngày nhưng năng suất cao và không hề thua kém các giống lúa lai nào. Cho đến nay, SV181 chưa hề bị bệnh bạc lá và rầy nâu. Nó cũng là giống lúa cứng cây, chống đổ tốt...
Trên CĐM mà huyện Hưng Nguyên triển khai tại xã Hưng Tiến, giống lúa BT09 cũng là giống lúa có khả năng đẻ nhánh khỏe, kháng bệnh khá. Mặc dù khả năng chống đổ trung bình, nhưng bù lại năng suất cũng đạt bình quân trên dưới 7 tấn/ha. Chất lượng gạo ngon, cơm mềm, vị đậm, dẻo và thơm nhẹ.
Từ nhiều năm nay, huyện Hưng Nguyên tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện chủ trương ưu tiên và khuyến khích mở rộng diện tích SX bằng các giống lúa chất lượng cao để làm hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân. Vì thế, vụ xuân 2016 Hưng Nguyên đã đầu tư kinh phí để triển khai 8 mô hình khảo nghiệm các giống lúa chất lượng vừa được công nhận tạm thời để làm cơ sở cho các địa phương đánh giá và lựa chọn khi nhân ra diện rộng.
Đây là cách làm hay và thận trọng của huyện nhằm thực hiện chủ trương mở rộng diện tích lúa thuần chất lượng cao để làm hàng hóa cung cấp cho địa bàn TP Vinh. Các giống lúa SV181, BT09, P6 và TBR225 tại các CĐM ở huyện Hưng Nguyên năm nay đều là các giống lúa ít sâu bệnh và cho năng suất cao, trong đó tiêu chí quan trọng nhất mà huyện cần chính là chất lượng gạo ngon, cơm dẻo để bà con nông dân bán được giá.
Ông Ngô Phú Hàn, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên khẳng định, đến thời điểm này có thể nói vụ xuân 2016 đã được mùa toàn diện, bà con nông dân ai cũng vui mừng. Đặc biệt đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp từ huyện đến xã đều rất phấn khởi khi cánh đồng lúa chất lượng cao đã được bà con hồ hởi tiếp nhận để mở rộng diện tích.