Chiều 6/6, tại cuộc họp báo về chương trình “Phân bón giả, tác hại thật”, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng.
Trong đó, năm 2015, tịch thu gần 1.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng. Theo ông Lam, trong tháng 3/2016, cơ quan quản lý thị trường đã tăng cường lấy mẫu ở một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy, tình hình phân bón giả, kém chất lượng đang rất báo động.
“Trong 46 mẫu phân bón lấy ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, thì tới 13 mẫu (khoảng 28%) không đạt yêu cầu, với các tỷ lệ vi phạm khác nhau”- ông Lam nói.
Lãnh đạo Cục quản lý thị trường cũng cho biết, sắp tới, Cơ quan quản lý thị trường sẽ rà soát cơ chế chính sách, tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm, trong đó, nâng cao đạo đức công vụ, không để xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), theo Nghị định 202 về quản lý phân bón (có hiệu lực từ ngày 1/2/2016), Bộ Công Thương được giao quản lý phân bón vô cơ, Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác.
“Thực tế, trên thị trường, tới 90% là phân bón vô cơ, còn phân bón hữu cơ và phân bón khác chỉ khoảng 10%”- ông Cường nói. Như vậy, phần “quản” của Bộ Công Thương chiếm một phần rất lớn với ngành phân bón hiện nay.
Ông Cường cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo thanh tra toàn bộ phần phân bón hữu cơ và phân bón khác, thuộc phần quản lý của bộ. “Tuy nhiên, cái khó là theo Nghị định 202, nếu cửa hàng cả bán phân vô cơ và hữu cơ, thì Bộ Công Thương chủ trì chứ không phải là Bộ NN&PTNT, trong khi hầu hết các cửa hàng đều bán cả hai loại phân bón trên”- ông Cường nói.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng khẳng định, Bộ NN&PTNT không trốn tránh trách nhiệm. “Chúng tôi đang tiến hành thanh kiểm tra về phân bón hữ cơ và phân khác, sau kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ có công bố chính thức”- ông Cường nói.
Ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, phân bón chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào trong trồng trọt, là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, thực tế, thị trường phân bón ở nước ra diễn biến phức tạp, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Tuy nhiên, theo ước tính, thiệt hại do phân bón giả, kém chất lượng lên đến hàng tỷ USD.
Với mong muốn trang bị kiến thức cơ bản, cấp thiết giúp người nông dân tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn tinh vi của nạn phân bón giả; tạo thêm vị thế cho các doanh nghiệp chân chính và niềm tin của người dân vào nhà nước; tạo tính răn đe đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh chưa nghiêm túc, chuỗi chương trình hành động “Phân bón giả - tác hại thật” đã được ra đời.
Chương trình “Phân bón giả-Tác hại thật” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), do Tổng Cty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Phân bón Phú Mỹ) đơn vị đồng hành độc quyền.
Theo Phạm Anh
Tiền phong