Do giống kiệu bản địa có vị cay, ngọt đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng, dù kiệu ở đây nhỏ củ hơn. Do đó, nông dân huyện Phù Mỹ có truyền thống trồng kiệu giống để tự cung tự cấp. Hàng năm, cứ đến cuối tháng 3 âm lịch là bà con bắt đầu vào vụ trồng kiệu giống.
Ông Nguyễn Thành Lợi, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết, vụ hè thu 2016, các xã trồng được 85ha kiệu giống. Địa phương trồng nhiều nhất là xã Mỹ Trinh với 30ha, tiếp đến là Mỹ Quang 15,7ha, Mỹ Hòa 11,3ha, Mỹ Tài 10,5ha. Hàng năm, diện tích trồng kiệu thương phẩm để bán Tết trên địa bàn huyện Phù Mỹ đạt bình quân 800 - 900 ha, năm nào trồng nhiều thì được 1.000ha.
Theo những nông dân chuyên trồng kiệu, cứ mỗi sào (500m2) kiệu giống thì trồng được 4 - 5 sào kiệu thương phẩm. Do đó, với 85ha kiệu giống trồng trong vụ hè thu này, nếu được mùa vẫn không cung ứng đủ cho gần 1.000ha kiệu thương phẩm. Vì vậy, cứ đến vụ kiệu chính là kiệu giống từ miền Nam đổ về cung ứng cho nông dân. Năm nay, do nắng nóng kéo dài, cây kiệu vụ hè thu đang chết dần, vụ kiệu giống đang đứng trước nguy cơ mất mùa.
Ông Võ Văn Tứ, Phó Giám đốc HTXNN Mỹ Quang cho biết: “Hàng năm, nông dân trong xã trồng khoảng 100ha kiệu thương phẩm bán Tết. Có truyền thống tự cung cấp giống, nên sau mỗi vụ kiệu Tết, bà con chọn những củ kiệu to, khỏe giữ lại để đến vụ hè thu SX kiệu giống. Vụ kiệu giống SX trong mùa khô hạn nên gặp khó khăn về nước tưới. Năm nay nắng nóng kéo dài, đất ruộng trồng kiệu khô rốc, cây kiệu không phát triển được bộ rễ, lá khô dần từ đọt xuống. Khi bộ rễ teo hết thì cây kiệu cũng chết theo”.
Lão nông Đỗ Học (66 tuổi) ở đội 12 thôn Tân An, xã Mỹ Quang là người gắn cả đời nhà nông của mình vào nghề trồng kiệu, vừa dắt chúng tôi đi thăm ruộng kiệu của mình, vừa than thở: “Vụ hè thu này tui trồng được 2 sào kiệu. Xuống giống vào tháng 3 âm lịch, hiện 1 sào đã chết rụi, nắng nóng đến nỗi cây kiệu không mọc nổi rễ, nhổ bụi kiệu lên không thấy có sợi rễ nào. Sào kiệu kia chưa chết, nhưng lá đã bắt đầu đỏ đọt. Đến cuối tháng 6 âm lịch mới thu hoạch kiệu giống để trồng vụ kiệu Tết, nếu nắng nóng cứ kéo dài thế này thì những ruộng kiệu không thể sống nổi đến lúc ấy. Vụ kiệu chính năm nay bà con trồng kiệu chắc chắn sẽ bị thiếu giống trầm trọng”.
1 sào kiệu kia của ông Học dù chưa chết nhưng lá đã bắt đầu úa từ ngọn
Bên cạnh ruộng kiệu của ông Học là 1 sào kiệu đang chết dần chết mòn của chị Hai Tâm, cũng ở thôn Tân An. Theo chị Tâm, 1 sào kiệu của chị xuống giống cùng lúc với ruộng kiệu của ông Học, vào tháng 3 âm lịch. Từ đó đến nay cây kiệu sống ngắc ngoải vì trời nắng nóng quá, lại thiếu nước tưới. Khoảng 10 ngày gần đây nắng gắt hơn nên hiện nay ruộng kiệu của chị đã bắt đầu chết.
"Giá kiệu giống được dự báo là sẽ rất cao và lệ thuộc nhiều vào nguồn kiệu giống nhập về từ miền Nam. Trong khi đó giá rơm năm nay cũng cao ngất, đến 600 - 700 ngàn đồng/sào rơm. Đã trồng kiệu thì không thể không mua rơm. Rơm vừa ngăn không cho cỏ mọc, vừa giữ ẩm đất, kiệu tốt hay xấu là nhờ rơm. Năm giá giá giống tăng, giá rơm cao, nếu giá kiệu Tết không ổn định thì người trồng sẽ lâm cảnh khốn đốn”, lão nông Đỗ Học lo lắng.
Vừa nhổ cỏ ruộng kiệu, chị Tâm vừa kể khổ: “Năm trước, 1 sào kiệu giống của tui cho thu hoạch khoảng 3 - 4 tạ giống. Vừa trồng đủ ruộng nhà vụ kiệu Tết, vừa có thừa bán cho bà con trong làng lấy tiền đầu tư cho ruộng kiệu của mình. Hiện nay ruộng kiệu giống bắt đầu khô lá, chết dần, nếu có thu được cũng chỉ chừng 1 tạ giống, không biết có đủ trồng ruộng nhà không chứ đâu dám mong có kiệu giống bán ra ngoài”.
Theo dự đoán của bà con, năm ngoái kiệu giống không mất mùa nhưng đến vụ kiệu chính, những hộ không có đất trồng kiệu giống đã phải mua giống với giá 27.000 đ/kg (chưa lặt rễ). Năm nay vụ kiệu hè thu mất mùa, giá kiệu giống chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nhiều.