Hà Nội tăng cường giám sát chất lượng nông sản

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong quý I-2016, các quận, huyện, thị xã đã tiến hành thanh kiểm tra 461 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả có 64 cơ sở không bảo đảm yêu cầu theo quy định, chiếm tỷ lệ 9,83%. Đáng nói là việc xử lý vi phạm mới chủ yếu chỉ dừng lại ở nhắc nhở, cảnh cáo nên chưa có sức răn đe. Trong Kế hoạch hành động Năm cao điểm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2016 ban hành cuối tháng 4, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2016, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè và tỷ lệ tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong thịt, thủy sản nuôi giảm 15% so với năm 2015.

Để đạt được những mục tiêu này, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Đặng Thị Thanh Hương, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Trong đó kiểm tra việc bảo đảm ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và xử lý vi phạm theo pháp luật. Đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn nông, lâm, thủy sản.

Đối với mặt hàng rau, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Duy Hồng cho rằng, cần phải phối hợp kiểm soát chất lượng từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có sự tham gia của Chi cục, chính quyền cấp xã, hợp tác xã và doanh nghiệp. “Hiện nay Hà Nội có hơn 5.000 ha sản xuất rau an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn chưa nắm rõ thông tin mua sản phẩm ở đâu” - ông Nguyễn Duy Hồng chia sẻ.

Một trong những thuận lợi lớn của Hà Nội khi triển khai giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản là có sự góp mặt của Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, đơn vị chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2014. Đến nay, trung tâm đã được Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) công nhận mã số VILAS 642, VILAS 684 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là phòng thử nghiệm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mã số LAS-NN 77. Tổng số phép thử mà trung tâm được công nhận là gần 200, trong đó có phân tích, kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh (độ nhiễm khuẩn), chất tạo nạc salbutamol, clenbuterol, kim loại nặng, hàm lượng li-pit, prô-tit… trong thịt, rau, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã có văn bản gửi cho các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với trung tâm trong hoạt động lấy mẫu, phân tích kiểm nghiệm.

Khắc phục những hạn chế

Là một trong những huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn cùng ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh của Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước, giám sát chất lượng ATTP trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã có nhiều chuyển biến nhưng còn hạn chế. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám lý giải, do việc thực hiện quy hoạch, triển khai điều chỉnh quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chậm nên việc kiểm soát giết mổ còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ gia súc, gia cầm được kiểm soát thú y trong khâu giết mổ thấp. Đối với rau, việc xây dựng các chuỗi sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp thôn, xã, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ này nên còn thờ ơ, buông lỏng quản lý, dẫn tới thực phẩm bẩn vẫn lưu hành trên thị trường.

Ở cấp huyện đã vậy, ngay ở quận Thanh Xuân, địa phương có gần 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng hầu hết các phường đều thiếu cán bộ chuyên trách quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản. Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân Phạm Thị Lan Phương chia sẻ, hiện nay, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả đang gây nhức nhối cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm về ATTP gặp nhiều khó khăn do chưa có đầy đủ trang thiết bị, mẫu thử để xét nghiệm, phân tích. Hiện tại mới chỉ có thiết bị thử nhanh chất tạo nạc salbutamol trong thịt, hàn the trong đậu và tôm, còn lại vẫn phải kiểm tra bằng cảm quan, mắt thường nên không có cơ sở pháp lý để xử phạt. Hơn nữa, chi phí cho công tác phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo Thông tư 149/2013/TT-BTC ngày 29-10-2013 quy định cũng khá tốn kém. Có mẫu phân tích một vài chỉ tiêu cũng lên tới hàng triệu đồng cho nên công tác giám sát chất lượng ATTP chưa phát huy được hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để quản lý tốt hơn ATTP nông, lâm, thủy sản, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các hộ sản xuất ý thức chấp hành quy định về ATTP, phát huy tốt vai trò của cán bộ ở cấp cơ sở. Tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo nâng cao vai trò của chính quyền các cấp trong quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản.

Trước mắt, thành phố sẽ triển khai cho các hộ dân cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nông nghiệp, y tế, công an, quản lý thị trường, phòng kinh tế các quận, huyện kiểm tra chất lượng rau, thịt tại các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp. Mục tiêu đặt ra là kiểm soát ít nhất 30% lượng rau an toàn vào bếp ăn tập thể.

Bảng giá phân bón

Nhãn hiệu Giá
NPK 17-7-17-6s+Bo+Zn+TE Liên hệ
NPK 16-8-23+Bo+Zn+TE Liên hệ
Lúa 3: 20-0-20 +TE Liên hệ
Lúa 2: 20-16-6 + TE Liên hệ
Lúa 1: 20-15-7 Liên hệ
HI-End NPK 17-17-17+TE Liên hệ
HI-End NPK 16-16-8-6S+TE Liên hệ
Kali Silic 25 – 30 SiO2 Liên hệ

Thành tích

Hình ảnh nhà máy