Sau bắp, đậu nành... những năm gần đây Việt Nam lại đua nhau nhập đậu phộng, trong đó nguồn đậu phộng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.

Dù là quốc gia nông nghiệp với hơn 80% dân số sống ở nông thôn, nhưng mỗi năm Việt Nam phải chi nhiều tỉ USD nhập khẩu các loại nông sản, trong đó riêng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã cao hơn kim ngạch xuất khẩu gạo.

Đậu phộng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam

Thông tin Bộ NN&PTNT quyết định tạm ngưng nhập khẩu đậu phộng từ Senegal vì nhiễm mọt nguy hại khiến nhiều người ngạc nhiên, vì trước đây chỉ mới nghe Việt Nam nhập đậu nành, bắp, lúa mì thì nay cả đậu phộng cũng phải nhập.

Nhưng số liệu thống kê cho thấy Việt Nam đã nhập khẩu đậu phộng từ nhiều năm trở lại đây, chủ yếu từ Ấn Độ, Senegal và Trung Quốc.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập gần 12.000 tấn đậu phộng. Trước đó trong năm 2015, Việt Nam nhập gần 35.000 tấn đậu phộng, tăng 146% so với năm 2014 (chi gần 21,5 triệu USD nhập hơn 23.623 tấn đậu phộng).

Điều bất ngờ là trong ba năm trở lại đây Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu đậu phộng hàng đầu cho Việt Nam, trong khi hằng năm cứ đến vụ thu hoạch trong nước, thương nhân lại gom hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đặc biệt, giá đậu phộng mà Trung Quốc xuất khẩu cho Việt Nam rất rẻ, chỉ ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá mua từ các quốc gia khác là 15.000 - 22.000 đồng/kg.

Mức giá mà đậu phộng Trung Quốc bán sang Việt Nam được ghi nhận qua số liệu hải quan cũng thấp hơn rất nhiều so với giá đậu phộng mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo các thương lái gom đậu phộng tại Nghệ An, Bình Định và một số tỉnh Tây nguyên, trong ba năm trở lại đây giá nhân đậu phộng xuất sang Trung Quốc luôn trên 30.000 đồng/kg.

“Tôi không hiểu sao họ sang Việt Nam gom đậu phộng với giá cao rồi lại xuất khẩu ngược vào Việt Nam với giá siêu rẻ đến như vậy, rẻ hơn cả giá đậu phộng tươi chưa bóc vỏ trong nước” - một thương lái bày tỏ ngạc nhiên về thông tin giá đậu phộng Trung Quốc bán cho Việt Nam chưa tới 6.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công thương, đâu phộng nhập khẩu chủ yếu được dùng trong ngành thức ăn nhẹ tại Việt Nam như chế biến bánh kẹo, snack.

Do tốc độ phát triển của ngành này ngày một lớn trong khi nguồn cung trong nước có xu hướng giảm, Bộ Công thương dự báo nhập khẩu đậu phộng sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, diện tích trồng đậu phộng của Việt Nam những năm qua dao động quanh mức 220.000ha với sản lượng 550.000 tấn, chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập khẩu. Như vậy nhiều khả năng trong các năm tới nhập khẩu đậu phộng của Việt Nam sẽ lên mức trên 200.000 tấn.

Xuất gạo không đủ nhập thức ăn chăn nuôi

Không chỉ nhập đậu phộng, Việt Nam cũng nhập nhiều loại nông sản khác nhau. Theo Bộ NN&PTNT, trong bảy tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 1,87 triệu tấn lúa mì với giá trị 398 triệu USD, tăng 37,4% về khối lượng so với cùng kỳ 2015.

Cũng trong thời gian trên, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 582.000 tấn hạt điều, chủ yếu từ châu Phi, về chế biến xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năng lực chế biến hạt điều trong các nhà máy của Việt Nam hiện đã lên tới 1,3 triệu tấn/năm, trong khi lượng hạt điều nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng 30-40%, do đó các doanh nghiệp phải nhập khẩu để có hàng chế biến và tái xuất.

Tương tự, các nhà máy sản xuất và chế biến thủy sản cũng đua nhau nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác về chế biến và xuất khẩu.

Trong bảy tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp thủy sản nhập khẩu gần 600 triệu USD nguyên liệu. Không chỉ nhập khẩu nông sản về chế biến thực phẩm và xuất khẩu, mỗi năm Việt Nam cũng bỏ ra hàng tỉ USD nhập khẩu nguyên liệu về phục vụ ngành chăn nuôi trong nước.

Theo Bộ NN&PTNT, trong bảy tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu tới 1,85 tỉ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu.

So với giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam cùng thời gian nói trên, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi còn cao hơn, trên 500 triệu USD. Trong bảy tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu trên 800.000 tấn đậu nành và 3,8 triệu tấn bắp về chế biến thức ăn chăn nuôi.

Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài trong ngành chăn nuôi đã được cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào thật sự hiệu quả để ngăn chặn, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn.

Nhập nông sản lợi hơn 
tự sản xuất?

Theo các chuyên gia, chính sách ưu tiên cho cây lúa trong khi bỏ rơi các loại cây trồng khác trong nhiều năm qua đã dẫn đến hệ quả là Việt Nam có một nền sản xuất lúa thâm canh mỗi năm ba vụ, sử dụng nhiều phân bón và hóa chất, bán với giá rẻ trên thị trường thế giới.

Ngược lại, diện tích đậu nành, đậu phộng và cả bắp ngày càng teo tóp, không đủ cung cấp cho tiêu dùng trong nước nên buộc phải nhập khẩu rất nhiều từ nước ngoài.

“Đậu nành của Việt Nam trồng mỗi năm không đủ để làm đậu hũ thì phải nhập khẩu về chế biến dầu ăn, sữa đậu nành và làm thức ăn chăn nuôi. Bắp và đậu phộng cũng vậy, không có đầu tư bài bản nên sản lượng thấp, giá bán cao, vì thế các doanh nghiệp phải nhập khẩu” - ông Lịch cho hay.

Ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty CP Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước như bắp, đậu nành thường xuyên trong tình trạng thiếu và bấp bênh. Trong khi đó, hàng nhập khẩu có thể mua trước sáu tháng đưa về Việt Nam giá vẫn rẻ hơn nhiều so với giá mua trong nước thì doanh nghiệp phải chọn cách nhập khẩu.

Chẳng hạn, theo ông Bình, giá bắp trồng trong nước vào ngày 26-7 là khoảng 7.000 đồng/kg, trong khi giá bán bắp nhập khẩu về chỉ có 5.800 - 6.000 đồng/kg và hàng luôn sẵn có.

Một công ty chuyên nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tại TP.HCM còn cho biết giá kỳ hạn hàng giao trong tháng 8 và tháng 9 còn rẻ hơn nhiều.

Cụ thể, giá bắp nhập về đến cảng TP.HCM giao hàng trong tháng 8 và tháng 9 chỉ có 208 USD/tấn, tức chưa đến5.000 đồng/kg.

Giá đậu nành nhập khẩu từ Mỹ về đến cảng TP.HCM trong thời gian trên chỉ 450 - 455 USD/tấn, tính ra chỉ trên10.000 đồng/kg, trong khi giá đậu nành trong nước có thể cao gấp đôi.

Ông Phạm Đức Bình cho rằng các quốc gia như Mỹ, Brazil hay Argentina với diện tích đất đai rộng lớn, ngành nghiên cứu giống cây trồng phát triển và trình độ thâm canh trong canh tác bắp và đậu nành rất cao nên họ có giá thành rẻ.

“Cần có chính sách hiệu quả phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để làm đối trọng với hàng nhập khẩu, tránh bị ép giá, nhưng cũng không nên quá cực đoan với hàng nhập khẩu” - ông Bình cho biết.

Bảng giá phân bón

Nhãn hiệu Giá
NPK 17-7-17-6s+Bo+Zn+TE Liên hệ
NPK 16-8-23+Bo+Zn+TE Liên hệ
Lúa 3: 20-0-20 +TE Liên hệ
Lúa 2: 20-16-6 + TE Liên hệ
Lúa 1: 20-15-7 Liên hệ
HI-End NPK 17-17-17+TE Liên hệ
HI-End NPK 16-16-8-6S+TE Liên hệ
Kali Silic 25 – 30 SiO2 Liên hệ

Thành tích

Hình ảnh nhà máy