Ngày 8/8/2016, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu. Mục tiêu hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để quản lý bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất hồ tiêu an toàn bền vững.
Vườn tiêu có hệ thống rãnh thoát nước theo ô bàn cờ
Trong thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học; kết quả thực hiện mô hình phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo phòng chống bệnh của địa phương để hoàn thiện quy trình. Ngày 8/8/2016, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 1434/BVTV-QLSVGHR về việc ban hành quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu. Quy trình này thay thế Quy trình tạm thời và Công văn số 185/BVTV-QLSVGHR ngày 01/02/2016 về việc hướng dẫn biện pháp xử lý bệnh hại hồ tiêu của Cục Bảo vệ thực vật. Nội dung quy trình như sau:
I. MỤC TIÊU
Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để quản lý bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất hồ tiêu an toàn bền vững.
II. PHẠM VI ÁP DỤNG
Quy trình kỹ thuật này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trồng hồ tiêu trên lãnh thổ Việt Nam.
III. NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI
1. Bệnh chết nhanh
a. Nguyên nhân: Do nấm Phytophthora spp. gây ra, trong đó 2 loài nấmPhytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại nặng.
b. Triệu chứng: Ban đầu các chóp rễ bị biến màu nâu nhạt sau chuyển sang nâu đen, mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng, mạch dẫn dây thân tiêu bị thâm đen. Cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ sau 1 - 2 tuần, các thân dây chính vẫn bám trên trụ (có trường hợp khi cây chết lá bị héo khô nhưng không rụng).
c. Đặc điểm phát sinh, gây hại: Nấm bệnh phát sinh, xâm nhiễm và gây hại rễ tiêu vào đầu hoặc giữa mùa mưa nhưng cuối mùa mưa mới gây chết hàng loạt. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không được thoát nước tốt, không làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, bón phân không cân đối.
2. Bệnh chết chậm
a. Nguyên nhân: Do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và một số nấm trong đất gây ra. Một số loài tuyến trùng nội ký sinh, ngoại ký sinh gây hại nhưMeloidogyne spp., Meloidogyne incognita, Rotylenchulus renniformis,Tylenchus sp., trong đó gây hại chủ yếu là giống Meloidogyne spp. gây ra các nốt u sưng trên rễ; các loài nấm trong đất gây hại như Fusarium solani,Lasiodiplodia theobromae, Rhizoctonia solani, Pythium sp., ... ngoài ra rệp sáp hại rễ làm tăng mức độ bệnh.
b. Triệu chứng: Tuyến trùng và nấm gây hại làm cho hệ rễ tơ và rễ chùm bị u sưng, thối rễ chỉ còn rễ cọc nên khả năng hấp thu dinh dưỡng và vận chuyển nước bị giảm mạnh từ đó gây hiện tượng vàng lá, cây còi cọc; lá và đốt dây rụng dần, sau 2 - 3 năm chỉ còn lại các dây thân chính.
c. Đặc điểm phát sinh, gây hại: Các loài tuyến trùng gây hại trực tiếp và tạo ra các vết thương, qua đó nấm bệnh xâm nhập gây hại làm cho rễ kém phát triển. Tuyến trùng và nấm thường xâm nhập gây hại nặng vào các tháng mùa khô, nặng nhất vào các tháng 1 - 2 và giảm dần vào các tháng mùa mưa. Quá trình này lặp lại trong 2 - 3 năm làm cho cây hồ tiêu tàn lụi.
IV. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ BỆNH CHẾT NHANH, CHẾT CHẬM
1. Phòng bệnh cho vườn tiêu
a. Giống tiêu
- Trồng mới: Chọn trồng các giống tiêu có năng suất cao ít nhiễm bệnh như giống Tiêu trung lá lớn, Tiêu trung lá vừa, Tiêu sẻ lá lớn.
- Nhân giống: Chỉ sử dụng hom giống khỏe từ những cây không bị bệnh; nguồn đất làm bầu lấy từ vườn không bị bệnh, phơi hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật có ích như nấm đối kháng Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, Ankanoid để xử lý nguồn bệnh.
b. Biện pháp canh tác
- Đất trồng và thoát nước trong mùa mưa:
+ Chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa.
+ Đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 - 50 cm (3 hàng ngang 1 rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh), nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá; đào rãnh thoát nước chính sâu trên 50 cm xung quanh vườn.
+ Vào đầu mùa mưa phải phá bồn giữ nước quanh gốc tiêu (nếu có) để chống đọng nước.
+ Tiêu trồng lại trên đất vườn đã bị bệnh chết nhanh, chết chậm cần được xử lý đất bằng vôi bột và thuốc bảo vệ thực vật trừ tuyến trùng; trước khi trồng bón chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất.
- Trồng trụ sống: Trồng cây keo dậu, bông gòn, muồng, lồng mức,... thay thế trụ bê tông hoặc trụ gỗ.
- Phân bón: bón phân NPK cân đối, chú trọng bón phân hữu cơ; tủ xác thực vật vào gốc tiêu để bổ sung chất hữu cơ cho đất, vừa có tác dụng giữ ẩm đất vào mùa khô, vừa phát huy hệ vi sinh vật có ích và hạn chế bệnh.
- Vệ sinh vườn tiêu:
+ Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột.
+ Cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên.
+ Sau khi thu hoạch tiến hành dọn vườn, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột với lượng 1.000 kg/ha, chia làm 2 lần, mỗi lần 500 kg (không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây); hoặc rắc xuống hệ thống rãnh thoát nước (500 - 700 kg/ha) để khử trùng nguồn bệnh.
c. Sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn
Phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces,...; phòng chống tuyến trùng bằng các sản phẩm thảo mộc trừ tuyến trùng chứa hoạt chất Saponin, Ankanoid,...; phòng chống rệp sáp gốc bằng các chế phẩm nấm ký sinh côn trùng Metarhizium, vi khuẩn Bacillus, ... Các chế phẩm sinh học trên bón kết hợp với các đợt bón phân cho cây, rắc chế phẩm trong vùng rễ tiêu rồi phủ lớp đất lên, tưới đủ ẩm.
Sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thời gian cách ly ngắn như hoạt chất Phosphorous acid để phòng chống bệnh và tăng sức đề kháng cho cây tiêu, liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
2. Biện pháp xử lý trụ tiêu bị bệnh
a. Trụ tiêu bị bệnh chết nhanh
- Trụ tiêu bị bệnh nhẹ và các trụ liền kề trụ tiêu bị bệnh: Xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Azoxystrobin + Difenoconazole, Dimethomorph, Phosphorous acid,... liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì.
- Trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết: Thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh đồng ruộng; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại.
b. Trụ tiêu bị bệnh chết chậm
- Trụ tiêu bị bệnh nhẹ - trung bình và các trụ liền kề:
Trụ tiêu bị bệnh nhẹ biểu hiện lá vàng và xoăn nhẹ; rụng lá nhưng chưa rụng đốt; rễ có nốt sưng nhưng rễ tơ còn nhiều, năng suất giảm không đáng kể.
Trụ tiêu bị bệnh trung bình: biểu hiện lá vàng và xoăn nhẹ; rụng lá và đốt nhưng dưới 50% (so với cây bình thường trong vườn); rễ có nhiều nốt sưng, rễ tơ ít nhung trục rễ chính vẫn còn sống, năng suất giảm nhưng chưa nghiêm trọng.
* Biện pháp xử lý:
+ Trừ tuyến trùng bằng thuốc chứa hoạt chất Chitosan, Ethoprophos, Carbosulfan, Clinoptilolite, Diazinon, trừ nấm gây bệnh bằng thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Dimethomorph, Chlorothalonil + Mandipropamid, Copper Hydroxide, Cuprous oxide + Dimethomorph... Xử lý vào đầu hoặc giữa mùa mưa, liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì.
+ Sau xử lý thuốc bảo vệ thực vật 7 ngày xử lý kích thích ra rễ bằng một trong các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón có khả năng kích thích ra rễ hoặc phân hữu cơ sinh học.
Trường hợp xử lý trụ tiêu bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Phosphorous acid tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Không trừ kiến, rệp sáp trên cây tiêu bằng thuốc bảo vệ thực vật trước hoặc trong khi thu hoạch mà không đảm bảo thời gian cách ly ghi trên bao bì thuốc.
- Trụ tiêu bị bệnh nặng: lá bị rụng trên 50% (so với cây bình thường trong vườn), đốt rụng nhiều; bộ rễ bị hại nặng (không còn rễ tơ, rễ cái thối đen); năng suất không đáng kể (2 năm liền chỉ thu được dưới 1 kg/trụ/năm).
* Biện pháp xử lý: Thu gom, tiêu hủy cây bệnh hoặc cây chết, vệ sinh đồng ruộng; xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học tối thiểu 30 ngày trước khi trồng lại.